Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt và tinh thần Công lý – Sự thật

19 Avr

Giáo dân Công giáo thắp nến cầu nguyện khắp mọi nơi cầu nguyện cho Công Lý, Sự Thật, cho các nạn nhân bị những bất công, án tù oan khuất…

cho thấy một chuỗi sự kiện liên tiếp thể hiện một lề lối, một lẽ sống đã ăn sâu thấm đẫm trong tinh thần của người Tín hữu Kitô giáo. Liên tiếp các giáo xứ của các giáo phận, đặc biệt là các giáo phận miền Bắc Việt Nam như Nghệ an, Thái Bình, Hà Nội gần đây nổi lên một chương trình thắp nến cầu nguyện rất là mạnh mẽ như chúng ta thấy qua vụ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật sư Lê Quốc Quân.

Vậy đâu là khởi nguồn, là cội rễ cho những đêm thắp nến cầu nguyện hừng hực, rực rỡ đó ?. Từ xưa và ngay cả bây giờ người đời thường có câu “uống nước nhớ nguồn”, cho nên  chính vì lẽ đó, chúng ta không thể  không nhớ đến Tinh thần Ngô Quang Kiệt, trong những ngày xảy ra biến cố Thái Hà –Tòa Khâm Sứ khi ngài còn đang là Tổng giám mục Hà Nội. Hầu như tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề xã hội, tôn giáo mấy năm về trước đều biết đến sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, qua đó cho thấy tinh thần của người công giáo được tôi luyện và trải nghiệm rất ư thực tế, rõ ràng, những ngày tháng cam go, đau thương cho Giáo phận Hà Nội, cũng là những tháng ngày ngọn lửa Công Lý, Sự Thật được bắt đầu đốt lên và bùng phát.

Tại Thái Hà – Tòa khâm sứ, những năm 2008 những đêm thắp nến lung minh và huyền diệu cứ nối tiếp nhau, cầu nguyện cho giáo phận, cho Giáo hội Việt Nam, cho bất công đang bị chà đạp bởi các thế lực “không mấy thiện cảm với giáo hội”. Thực tế đã cho thấy, sức nóng của những đêm thắp nến cầu nguyện thời gian đó đã khiến cho một số người phải kinh ngạc và sợ hãi. Một sức nóng được hun lên bởi người dân, bởi những người mà trước nay ít tiếng nói và luôn bị chà đạp trong môi trường xã hội, là những công dân bị xếp vào loại 2.

Từ những đêm thắp nến mang tính bộc phát, phong trào, dần dà đã trở thành một “chân lý”  có tính chất quyết định cho quá trình đòi lại các quyền cơ bản của quyền người bị mất bằng một phương thức không nhuốm một chút bạo động, mà ngược lại hết sức bình an. Đó cũng chính là sức mạnh tổng hợp từ người dân được bung ra một cách quyết liệt, dấn thân trong Đức Tin của họ.

Thắp nến cầu nguyện cho bất công được đẩy lùi, cho mảng tối đen được chiếu sáng, ma quỉ thường khiếp sợ ánh sáng mà ánh sáng đó là của chân lý, của sự hoàn hảo, của sự đẹp đẽ, hay nói như Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh là “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”.

Cầu nguyện bằng phương thức thắp nến khiến cho lòng người ta hướng thiện nhiều hơn, cảm xúc nhận biết thần khí như dồi dào hơn, ánh sáng được soi rọi trên mỗi người tràn trề hơn, và người ta bắt đầu yêu thích phương cách đốt nến cầu nguyện nhiều hơn.

Thắp nến cầu nguyện được lan rộng ra hầu như khắp cả miền Bắc Việt Nam trong nhiều giáo xứ của các giáo phận. Qua biến cố Thái Hà – Tòa khâm Sứ, những đêm nến lung linh, thánh thiêng, rừng rực được đốt lên triền miên khắp các ngỏ ngách của các giáo phận. Giáo phận Vinh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội như đua nhau cầu nguyện nhất là trong biến cố Thánh Giá Đồng Chiêm bị nhà cầm quyền Hà Nội đập phá.

Không chỉ dừng lại bó buộc cho Giáo hội mà cho cả xã hội Việt Nam, cho cả Thế Giới, các quốc gia bị thiên tai, lũ lụt. Thái Hà, Kỳ Đồng thuộc  Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là những nơi gần như tiên khởi cho phương thức thắp nến cầu nguyện đã liên lỉ sử dụng phương thức này để cầu nguyện cho những điều kiện khó khăn, bất ưng mà con người phải gánh chịu. Đất nước Haiti bị động đất, biến cố các quan chức cấp cao quốc gia Ba Lan bị tai nạn máy bay thảm khốc, mới đây nhất tại Kỳ Đồng thắp nến cầu nguyện cho những nạn nhân và đất nước Nhật Bản sớm vượt qua những đau thương do bị sóng thần và động đất. Nhắc qua chỉ vậy, thực ra chưa đủ nhưng để thấy rằng, trước những đau thương, thử thách mà còn người gánh phải thì việc cậy trông lên Thượng Đế bằng phương thức thắp nến cầu nguyện là cách tốt nhất. Và hiệu năng của phương thế cầu nguyện này xin để cho tất cả quí vị thẩm định.

Giáo dân thấy được thắp nến cầu nguyện đã thỏa nguyện được rất nhiều tâm tư của họ mà Thượng Đế đã nhậm lời, chính vì lẽ đó họ sử dụng phương thế này một cách mạnh mẽ. Cầu nguyện như thế nào đó là quyền chính đáng của mỗi một người, cầu nguyện theo cách của họ, không ai có thể ngăn cản được họ không được cầu nguyện hày buộc họ phải cầu nguyện theo cách này hay cách khác đã được đặt ra. Cầu nguyện là một căn tính mang tính bắt buộc của người Công Giáo, nhưng lại hoàn toàn tự do lựa chọn phương thức cầu nguyện cho riêng mình, miễn sao giữ được lề luật, đồng thời họ cảm thấy việc họ cầu nguyện đem lại nhiều ơn ích cho chính mình.

Cũng chẳng ai có thể vì không thích giáo dân thắp nến cầu nguyện mà can thiệp vào một cách “vô đạo”, thiếu hiểu biết. Nếu muốn thực hiện ý đồ đó chỉ có cách suy nghĩ của những kẻ thừa quyền hành nhưng lại thiểu năng trí tuệ và một trái tim lởm chởm.

Tinh thần ngọn nến cháy sáng như được thấm đượm trong tâm hồn mỗi người tín hữu. Những ngày tháng khổ đau Thái Hà – Tòa Khâm Sứ  qua đi, những ngày tháng gần đây, ngọn lửa đó lại bừng cháy đốt nóng tinh thần Công Lý – Sự Thật qua những giờ thắp nến cầu nguyện cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ,  Luật sư Công giáo Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Những đêm thắp nến cầu nguyện lại nối tiếp khắp cả miền Bắc như là một lời khẳng định, một ước nguyện cho một nền Công Lý, Sự Thật sớm được triển nở trên quê hương Việt Nam.

Khi tinh thần của Công Lý, Sự Thật được bén rễ sâu nơi mỗi người Giáo dân, khi ngọn nến biểu trưng cho Chân – Thiện  – Mỹ, cho Đường – Sự Thật – Sự Sống, là đích đến để với chạm đến Đấng Tối Cao mà họ đã tin, xác tín thì không thể có một thế lực bóng tối sự dữ nào vây hãm, đánh phá được họ.

Phải chăng phương cách thắp nến cầu nguyện nơi giáo dân được khởi đi từ Tinh Thần Ngô Quang Kiệt, nay đã bén rễ sâu và đang bắt đầu trổ lúa đơm bông ?

Sài Gòn, 19/04/2011

Paulus Lê Sơn, VRNs

Nguồn: http://www.vrmi.org

Laisser un commentaire